Làm thế nào để tạo động lực học tiếng Anh cho trẻ?

Chuyên mục: Tiếng Anh Mẫu Giáo 25/06/2021
77043 views

Làm thế nào để trẻ cảm thấy hứng thú khi học tiếng Anh thiếu nhi tại nhà? đây là câu hỏi khiến không ít ba mẹ lo lắng. Dưới đây là mười lời khuyên hữu ích giúp các bậc phụ huynh trả lời được câu hỏi này, mời các bạn cùng khám phá.
 

1. Ba mẹ nhiệt tình học tiếng Anh
 
 
Nếu trẻ nhỏ nhìn thấy ba mẹ đang đọc, xem phim hay nói tiếng Anh, chúng sẽ được truyền cảm hứng để làm những điều tương tự. Do đó, ba mẹ hãy tích cực tham gia vào việc học tiếng Anh của con trẻ, thay vì mong đợi chúng tự học. Hãy trao cho con bạn nhiều lời khen ngợi, sự khuyến khích và sự hỗ trợ sẽ làm tăng thêm phần tự tin và là động lực để trẻ chủ động học tiếng Anh.
 
2. Hãy biến việc học trở nên vui vẻ và thú vị
 
Việc học một ngôn ngữ nên là một trải nghiệm thú vị và bổ ích cho các bé. Cố gắng kết hợp một yếu tố vui vẻ vào các hoạt động khi bạn học cùng các con. Trẻ sẽ tự nhiên thích chơi các trò chơi và bắt đầu yêu thích việc luyện nói hay học từ vựng hoặc cấu trúc ngữ pháp mới.
 
Hãy thử các trò chơi như: Memory, Simon says hoặc Snakes and ladders. Thử tạo ra những thử thách dành cho trẻ để tăng động lực thúc đẩy trẻ phát triển ngoại ngữ. Ví dụ: Nếu con sử dụng tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt thì con được phép chọn trò chơi kế tiếp.  
 
3. Theo dõi tính cách và sở thích của trẻ
 
 
Bạn hãy nghĩ về tính cách, sở thích và những điều mà con bạn thích. Đây chính là chiếc chìa khóa để bạn giúp trẻ phát triển tiếng Anh.
 
Những đứa trẻ năng động thường thích chơi các trò chơi hành động, ngược lại, những bé trầm tĩnh hơn có thể thích các trò chơi chữ hoặc các trò chơi trí tuệ. Nếu con bạn thích thể thao, chúng sẽ thích những câu chuyện, trò chơi từ vựng về thể thao. 
 
4. Hãy để con bạn lựa chọn
 
Để khuyến khích việc học tiếng Anh cho các bé thiếu nhi, ba mẹ nên tôn trọng sự lựa chọn của các bé bằng cách để trẻ tự do chọn lựa các tình huống và kỹ năng mà trẻ cảm thấy yêu thích. Ví dụ như để khuyến khích trẻ cải thiện kỹ năng đọc tiếng Anh, phụ huynh nên dắt trẻ đến nhà sách hoặc để trẻ tự do lựa các đầu sách online phù hợp với trình độ và sở thích của trẻ. Đây sẽ là một động lực học tập dành cho các bé trong quá trình cải thiện ngoại ngữ.
 
5. Quan sát tâm trạng của trẻ
 
Ba mẹ nên lựa chọn đúng thời điểm mà con đang thật sự sẵn sàng để thực hành tiếng Anh. Một tâm trạng thoải mái bao giờ cũng sẽ tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Đừng đặt áp lực bắt trẻ phải học tiếng Anh khi con vừa về đến nhà sau một ngày học tập căng thẳng và mệt mỏi ở trường. Và trước khi bắt đầu học tại nhà, bạn có thể bắt đầu chơi một trò chơi tiếng Anh nho nhỏ để “thăm dò” tâm trạng của bé. Nếu con có biểu hiện không chịu tiếp nhận, tốt hơn hết là bạn nên dời việc học sang một khoản thời gian khác phù hợp hơn.
 
6. Đưa ra các tình huống thực tế
 
 
Trẻ em rất thích các trò chơi nhập vai và sử dụng trí tưởng tượng của mình. Vì thế, bạn hãy gợi ý một số tình huống để trẻ có cơ hội hóa thân thành các nhân vật trong câu chuyện ấy. Ví dụ: bạn đặt ra tình huống tại cửa hàng đồ chơi, trên xe buýt, tại nhà hàng, v.v… và yêu cầu con chọn một bối cảnh. Nếu con chọn đóng vai nhân vật khách hàng và ba mẹ là chủ cửa hàng, hãy cung cấp cho con một số từ vựng và cấu trúc câu đơn giản để hỗ trợ con. Thay phiên nhau đóng vai sẽ giúp trẻ mở rộng vốn từ hơn, dần dần trẻ sẽ biết cách diễn đạt hơn trong các cuộc hội thoại tiếng Anh.
 
Bên cạnh việc thực hành như trên, bạn cũng đừng quên tạo ra những dụng cụ hỗ trợ thực tế để tăng sự hấp dẫn của trò chơi như: làm vé, thẻ giá, thực đơn trong nhà hàng, v.v… Bạn càng nhiệt tình đóng vai của mình, con bạn sẽ càng có động lực học nhiều hơn!
 
7. Hỗ trợ các hoạt động học tập ở trường của con
 
Trẻ em thường miễn cưỡng làm bài tập về nhà hoặc học bài kiểm tra ở trường. Do đó, để giúp bé hoàn thành các bài tập này, bạn nên thường xuyên khen ngợi con, thay vì chỉ trích chúng. Điều này sẽ giúp con phát triển sự tự tin và thái độ học tập tích cực. Ngoài ra, bạn có thể cho phép con lựa chọn thời gian để làm bài tập và gửi đến con những phần quà nhỏ nhằm khuyến khích việc con giữ đúng lời hứa, hoàn thành bài tập. Song song đó, bạn cũng nên thường xuyên trò chuyện với giáo viên của con để nhờ họ tư vấn những cách hỗ trợ việc học tập của trẻ.
 
8. Khuyến khích trẻ chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh
 
Chia sẻ kinh nghiệm học tập với gia đình và bạn bè sẽ thúc đẩy quá trình học của con bạn. Đối với những bé lớn hơn, phụ huynh nên khuyến khích con giúp đỡ anh/chị/em của mình thực hành tiếng Anh. Việc đặt bé vào vai trò những “giáo viên nhí” sẽ giúp con có trách nhiệm hơn và biến thách thức trở thành động lực to lớn.
 
Ngoài ra, ba mẹ có thể tổ chức những buổi xem phim cuối tuần bằng tiếng Anh cho các bé. Mời bạn bè của bé đến nhà để cùng tham gia cũng là một ý kiến hay. Sắp xếp phòng khách trở thành một rạp chiếu phim, làm vé mời, v.v.... cũng mang đến cơ hội để trẻ thực hành kỹ năng viết tiếng Anh và có những trải nghiệm hết sức thú vị.
 
9. Tìm cách để trẻ giao tiếp với người khác bằng tiếng Anh
 
Thực hành giao tiếp tiếng Anh thực tế thường mang đến niềm vui và động lực học cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu có cơ hội, bạn hãy thử tìm một nhóm nói tiếng Anh gần nhà hoặc các tổ chức tiếng Anh dành cho trẻ nhằm giúp các con có thêm cơ hội giao lưu và cải thiện khả năng ngoại ngữ của mình.
 
Trên đây là chín cách giúp tạo động lực học tiếng Anh cho trẻ, hy vọng các bậc phụ huynh đã chọn lựa được một số phương pháp phù hợp với trình độ của trẻ và giúp trẻ ngày càng phát triển vốn tiếng Anh của mình.
Từ khóa |